Trước giờ có một nguyên tắc: blog là nhà, về nhà thì không nói chuyện công việc. Vì vậy, không bao giờ mình viết về chính trị xã hội trên blog. Chỉ thỉnh thoảng đưa lên vài bài từng đăng báo, nhưng nội dung vẫn chủ yếu là vui chơi giải trí.
Hôm nay xem như phá lệ khi nói về chuyện làm báo.
Không phải ngẫu nhiên mà phá lệ.
Vừa mới nhận được mail của chú Sánh, "cấp trên" mới ghé qua tòa soạn Cống Quỳnh. Chú Khế không còn làm Tổng biên tập báo Thanh Niên nữa.
Trước chuyến viếng thăm của "cấp trên", trên mạng đã xì xào, xôn xao từ mấy tháng nay, nhưng internet bên cạnh điểm mạnh lan truyền thông tin siêu tốc còn một điểm yếu không thể bỏ qua: chăn nuôi vịt công nghiệp. Chính vì vậy, đối diện với những lời bàn tán phần thực tám cân thì phần hư dám chừng cũng nửa lạng, mình vẫn thản nhiên gặm nhấm chuyến phiêu lưu thú vị của Tobie Lolnes, nhất là "dạo gần đây" mình có dư chuyện để rầu rồi.
Càng đến gần ngày 31/12, những lời xì xào bắt đầu tăng âm lượng lên hết cỡ, thậm chí gắn cả dàn loa thùng hoành tráng. Xì xào trở thành lời khẳng định, thành điệu nhạc tiễn đưa và thành cơ hội để người ta viết bản cáo trạng về người mà trước giờ người ta vẫn không ưa. Không ưa mà chưa hẳn đã biết rõ. "Không ưa" và "biết rõ" trước giờ chưa từng được khoa học chứng minh mối quan hệ bà con họ hàng. Ngược lại, sự ghen ghét thường làm nhạt nhòa hiểu biết của con người.
Thời gian vừa rồi có nhiều chuyện khiến mình nghĩ ngợi đến nghề báo.
Mình chưa từng học về báo chí.
Mình chưa từng ký hợp đồng làm việc với bất cứ tờ báo nào.
Trong túi mình, thẻ giảm giá siêu thị có, thẻ giảm giá nhà sách có, thẻ thành viên liên đoàn Judo Pháp có, thẻ sinh viên có, thậm chí có cả mấy cái vé đi bảo tàng, cũ nhưng thấy đẹp nên giữ lại. Không (biết bao giờ) có thẻ nhà báo.
Vậy lấy gì đây để nói về nghề làm báo?
Lúc nhỏ, má đi "lấy tin", đi "phỏng vấn" thường dẫn mình đi theo. "Lấy tin" và "phỏng vấn" thì... vui dữ lắm, vì được coi mấy chú họa sĩ người Hoa vẽ tranh ở Đầm Sen, được theo má tới các chùa vào những lễ hội người Hoa, nếu nhằm dịp Tết có khi còn được xoa đầu tặng bao lì xì. Chưa hết, đi sở thú chơi với má thông qua đường "lấy tin" thì bạn Mi' không chỉ đứng ở ngoài dòm vô, mà được đi thẳng vô chuồng để trầm trồ con công đẹp quá hay mấy con cá sấu con nhìn cũng ngộ, không thấy ghê như ba má tụi nó. Rồi cũng nhờ má đi "viết bài" mà năm nào Mi' cũng được đến sân Tinh Võ, ngồi dãy ghế hàng đầu xem lân của Nhân Nghĩa Đường tùng xèng vượt Mai Hoa Thung. Má hay viết mảng văn hóa, đặc biệt là văn hóa người Hoa, hay viết truyện thiếu nhi, nên công việc của má không thuộc loại "con nít ra chỗ khác chơi". Mi' nhờ vậy có dịp được đường hoàng đi "lấy tin" và đi "phỏng vấn" với má.
Về nhà, mỗi lần thấy Mi' ở không quá, má đưa tờ giấy với cây viết: "con thích gì viết đó, viết xong má sửa cho". Nhờ "thích gì viết đó" với má mà có hai, ba năm, mấy truyện kể về mèo của Mi' được đăng trên báo xuân Nhi Đồng, sướng dữ lắm, sướng đến mức chẳng quan tâm chuyện… nhuận bút ba má giữ hết. Nhắc tới nhuận bút mới nhớ, cũng trong "xê-ri" nhân-vật-chính-là-mèo, có một truyện đăng trên báo Người Lao Động (chắc mục "thiếu nhi sáng tác" gì đó), lần đầu tiên trong đời, bạn Mi' được nhận phiếu nhuận bút, tờ phiếu được in sẵn, chừa vài chỗ trống để điền vô, nên rất ư là trịnh trọng : "Kính gửi : đồng chí bé Lan Chi".
Nghề báo với mình lúc đó là Đầm Sen, là tranh thủy mạc, là sở thú, là múa lân, là trò chơi "thích gì viết đó"... Trẻ con thường được ví với thiên thần, thiên thần nhìn đâu cũng thấy thiên đường. Trong thế giới của trẻ con, nghề báo cũng ngọt như kẹo.
Ba cũng làm báo.
Nhưng ba viết không giống má.
Nếu ba viết về văn hóa, đó sẽ là văn hóa đau đáu cái nhìn của thời cuộc, văn hóa từ những dòng thơ "Sống mình không thể nói - Chết mới được ra lời" của Nhất Chi Mai ("Chứng từ năm năm", Nguyễn Ngọc Lan, NXB Trình Bày, 1967). Khi ba viết về trẻ con, trẻ con trong bài viết của ba không biết đến mùi vị của kẹo ngọt, như bốn đứa bé tại "Công trường vùng giới tuyến" (cũng trong "Chứng từ năm năm"): "Các em ngồi nằm nép vào nhau, sợ sệt, không một lời nói, không một tia sáng thoáng qua trên bốn cặp mắt như đã đọng đủ gian truân của cuộc đời mà chúng nó không hiểu được gì". Khi trẻ con mắc bận làm nhân chứng của cay, chua, mặn, đắng thời chiến tranh, trẻ con sẽ chẳng còn thời giờ để khám phá vị ngọt của kẹo.
Không phải ba không lay động trước vẻ đẹp của văn hóa, cũng không phải ba không nhận ra niềm vui của trẻ thơ. Một trong những tác phẩm ba thích nhất là "Hoàng tử bé" của Saint-Exupéry. Ba không viết truyện thiếu nhi như má, ba viết xã luận.
Ba làm báo nhưng lúc bài của ba còn "được" đăng báo, Mi' vẫn chưa ra đời.
Đứng Dậy của ba "hoàn thành nhiệm vụ" rất nhanh, chỉ vài năm sau khi… bắt đầu nhiệm vụ (1975). Cùng với Tin Sáng (bộ mới), Đứng Dậy thuộc loại "của hiếm" sau năm 75: báo tư nhân. Nếu ba đánh tiếng, sẽ không thiếu "cơ quan chủ quản" sẵn sàng tiếp nhận, Đứng Dậy sẽ còn nhiều "nhiệm vụ" để tiếp tục, nhưng ba vẫn là ba, bút của ba là bút sắt, ba không chấp nhận để ai biến bút sắt thành bút chì. Bút chì dễ gôm, dễ sửa.
Còn ba không chịu sửa. Thời Việt Nam Cộng Hòa, ba không xa lạ với cảnh sát, từ những ngày xuống đường biểu tình cùng sinh viên học sinh Sài Gòn đến những buổi "làm việc" vì những gì ba viết trên Tin Sáng, Đối Diện. Thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ba lại tiếp tục quen mặt từ công an phường đến phòng PA16 công an thành phố. Ba không phải Cộng Hòa, cũng chẳng phải Cộng Sản, ba theo lẽ phải. Ba không chịu sửa, nên năm 1989, người ta bắt ba ở nhà, không cho đi quá phường 6 quận 10. Quản thúc tại gia. Chú Ánh chọc ba : "Anh Lan mà đi coi đá banh ở sân Thống Nhất là chỉ được ngồi ở khán đài B, C, ảnh mà qua tới khán đài A là… vượt biên". Câu nói đùa có giá trị trong 3 năm.
Trước 75, Đối Diện bị tịch thu, bị đốt, bị "hốt cắt đục" (từ này là phiên bản trước năm 75 của "kiểm duyệt", do "nhà báo" Tư Trời Biển báo Tin Sáng giữ bản quyền). Sau 75, Đứng Dậy lên tiếng được gần 3 năm rồi "hoàn thành nhiệm vụ", đến mười mấy lít xăng còn lại ba cũng đem trả. Bài của ba vẫn còn đăng trên Tin Sáng. Đến khi Tin Sáng cũng theo bước Đứng Dậy "hoàn thành nhiệm vụ", ba vẫn viết, viết sách và nhất là, viết nhật ký. Hồi trước, ba vẫn thường hay "dụ" mình viết nhật ký, ba nói : "Đây là một thói quen tốt, ba viết nhật ký từ lúc 15, 16 tuổi". Hơn 60 năm trước khi blog trở nên thịnh hành, viết nhật ký đã là thói quen của ba, đều đặn mỗi ngày. Và nhật ký của ba thì không ai bắt phải "hoàn thành nhiệm vụ" được. Nhật ký còn, ba còn làm báo.
Không được làm báo chính thống, ba làm báo "lậu". Ba có kinh nghiệm về vụ này từ thời "hốt cắt đục". Ba và "ông nội" (Mi' gọi linh mục Chân Tín như thế) người bị quản thúc tại gia, người đi "hóng mát" ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cùng thời hạn 3 năm, thư qua tin lại, Cần Thạnh, phường 6 quận 10, rồi vượt nửa vòng trái đất sang tới Paris, Tin Nhà ra đời. Sau này, ba vẫn nửa đùa nửa thật : "Làm báo lậu không ai qua tôi đâu !"
Khi bắt đầu hiểu được là báo "ngọt nguyên chất" chỉ có mấy tờ thiếu nhi dạng Nhi Đồng với Rùa Vàng, mình cũng bắt đầu cảm nhận được làm báo là thế nào.
Và bắt đầu chia sẻ những kỷ niệm của má về Tin Sáng.
Tin Sáng hội đủ tất cả các yếu tố để những ngày tháng làm việc ở Tin Sáng được má "bình chọn" là "thời gian đẹp nhất trong đời".
Má hay kể chuyện ba với má đi giao báo. Có người đề nghị ba để bớt lại báo, họ mua với giá cao gấp 3, gấp 4 lần. Nghe thấy lạ, nhưng là sự thực: Tin Sáng được bán... chợ đen. Giá gốc của Tin Sáng là 15 xu nhưng bán lại với giá 1 đồng vẫn có người mua.
Tin Sáng sau 75 bán chạy nhất miền Nam.
Không phải hên mà được.
Tin Sáng là tờ nhật báo miền nam duy nhất có "lý lịch" từ trước 75 mà sau 75 vẫn còn được phát hành, và không thuộc bất cứ "cơ quan chủ quản" nào. Tin Sáng vì thế tập hợp những ký giả tên tuổi của báo chí tả khuynh trước 75 (Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc, Tia Sáng...).
Chủ nhiệm Tin Sáng là chú Đức, chủ bút là chú Nhuận. Chú Đức lo chuyện chính trị ngoại giao, chú Nhuận đảm đương bài vở. Dưới sự lèo lái của "cặp bài trùng" này, Tin Sáng phát triển mạnh mẽ.
Tin Sáng có căn-tin để phóng viên ở lại ăn trưa, có nhà nghỉ ở Vũng Tàu để các ban thay phiên nhau đi tắm biển. Đi nghỉ cũng bằng xe của Tin Sáng. Phóng viên Tin Sáng ăn ngủ cả ngày ở tòa soạn. Tin Sáng là một đại gia đình. Tết 2007, mình thay mặt ba má đi ăn tất niên với Tin Sáng, 26 năm sau khi Tin Sáng không còn tòa soạn, truyền thống vẫn là truyền thống.
Phóng viên báo Tin Sáng thường có dịp thi thố tài nghệ thể thao qua các giải nội bộ. Đặc biệt, chú Đức thường mở rộng cửa với các danh thủ thể thao nên các phóng viên thích chơi thể thao không thiếu người để học hỏi.
Giai đoạn cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980, trên Tin Sáng đã có bài của chú Luân về kinh tế thị trường.
Tin Sáng phát triển mạnh, mạnh và nhanh. Quá nhanh so với nhịp chung, Tin Sáng "hoàn thành nhiệm vụ" vào ngày 29/6/1981.
Tin Sáng, từ lúc nào không biết, đã trở thành hình mẫu lý tưởng trong nghề báo đối với mình.
Từ nhỏ cho tới lớn, dù rất thích đi "lấy tin", "phỏng vấn" với má, dù cho rằng trò chơi "thích gì viết đó" vô cùng tiện lợi để xử lý mớ thời gian rảnh nhưng tuyệt nhiên mình chưa bao giờ mơ ước trở thành phóng viên.
Cấp 2, đề vào lưu bút của bạn: mơ làm giám đốc sở thú.
Cấp 3, mấy vụ bê bối ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn đăng nhan nhản trên báo, mình thì bắt đầu thấy thích hình ảnh từng bầy hươu nai sải chân trên các vùng đồng cỏ Phi Châu hơn là nhìn qua song sắt chuồng thú vài con phe phẩy đuôi đi qua đi lại. Bạn biểu viết lưu bút, ghi: tương lai thích làm việc cho Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF).
Mấy dòng đó được ghi lại vào trong hồ sơ gửi sang xin nhập học đại học ở Pháp.
Lên đường sang Pháp, thở ra cái phào: vậy là mình sẽ không phải dính dáng gì tới chuyện chính trị, yên tâm mà học về thiên nhiên, môi trường.
Mười mấy năm chứng kiến ba trăn trở chuyện quê hương đất nước, chứng kiến cái cách người ta đối xử với ba, chứng kiến tình bằng hữu mấy mươi năm hoạn nạn có nhau của ba cũng bị những mưu toan chính trị của người ta làm cho rạn nứt. Gương vỡ đã lành, nhưng dù có dán khéo đến mấy cũng vẫn thấy những vết chắp nối. Thời gian có thể làm lành vết thương. Nhưng vẫn để lại sẹo.
"Mình không bao giờ dính dáng tới cái món chính trị hại sức khỏe đó!"
Yên tâm học ngành sinh học.
Đơn giản quá !
Qua chơi nhà chú Luân ở Thụy Sĩ, chú hỏi han nhiều chuyện, tới khi nghe mình kết luận: "con đi theo hướng bảo vệ môi trường để không bao giờ phải rớ tới chính trị". Chú "chỉnh" ngay: "Sao lại không?"
Với kinh nghiệm từng "bôn tẩu giang hồ" với các chương trình của Liên hiệp quốc, chỉ sau vài ngày qua chơi Thụy Sĩ, chú Luân đã xóa sạch cái ý tưởng viễn vông bảo-vệ-môi-trường-thì-không-rớ-tới-chính-trị của mình. Trừ khi bảo vệ môi trường chỉ trong "qui mô" mấy cái hồ cá ở nhà, còn lại chẳng chạy đâu cho thoát!
Bắt đầu suy nghĩ lại về chuyện bảo vệ môi trường.
CPE xuất hiện, điều luật lao động dành cho giới trẻ dưới 26 tuổi đánh sập sự nghiệp chính trị của cựu thủ tướng Villepin bằng những cuộc biểu đình, đình công, bãi trường.
Trường mình đóng cửa 6 tuần vì bị sinh viên bãi trường... chiếm đóng. Trong 6 tuần đó, mình chỉ làm 2 việc: tập Judo và viết bài.
Đó là 6 tuần hạnh phúc. Được làm những việc mình thích thì bao giờ cũng hạnh phúc.
Không muốn hạnh phúc chỉ vỏn vẹn trong 6 tuần.
Quyết định sẽ chăm sóc tiếp hạt giống ba má đã gieo trồng.
Nhiều nhà khoa học có thể diễn thuyết hàng giờ về nicotiana tabacum, về cơ chế tác động của nicotine lên hệ thần kinh, về đường dẫn chỉ trong tíc tắc của nicotine từ phổi, qua máu đến não bộ, về những "hiểm họa" của nicotine đối với sức khỏe con người. Không phải ai trong số họ cũng từng hút thuốc. Và không phải ai hút thuốc cũng biết nicotiana tabacum là tên khoa học của cây thuốc lá.
Cuộc đời nhiều khi tréo ngoe.
Nhưng cũng vì tin và muốn khám phá những thứ tréo ngoe mà mình bắt đầu viết báo. "Lập trường" vẫn không thay đổi: chính trị là cái món hại sức khỏe.
Những cuộc tranh luận với chú Luân cũng theo đó mà bắt đầu. Chú Luân có lẽ là người duy nhất trong số bạn bè của ba má phản đối chuyện mình theo nghề báo. "Làm báo mà sống thẳng, nói thật thì nghèo rớt mồng tơi giống ba con đó!". Chú Luân không thích giới ký giả, nhất là báo chí Tây phương. Bạn thân của chú thì toàn dân làm báo, loại gộc. Tréo ngoe. Nghe chú "kể tội" báo chí từ tây tới ta, mình chỉ cười cười: "Con thích nghe chú nói chuyện về ngành báo chí, nghe để học và để tránh!". Thật ra, mình vẫn không nghĩ chú Luân phản đối "tuyệt đối" chuyện mình làm báo, gần đây, chú nói với mình: "Thôi thì làm gì cũng được, phải có căn bản về khoa học đã."
Bắt đầu viết báo, vẫn còn "tự do" nên viết rất "tài tử", nghĩa là có khi đùng đùng một tháng ba bốn bài, có khi, như "dạo gần đây", rầu đời bặt vô âm tính ba bốn tháng chưa có một bài. Bắt đầu viết báo nên coi truyền hình và đọc báo vừa nhiều hơn trước, vừa không giống trước. Bây giờ coi là để học. Và để tránh. Đại khái là rất "thấm nhuần" mấy lời "kể tội" của chú Luân.
Mình rất thích báo chí Pháp ở chỗ phê bình những người dân đen thấp cổ bé họng thì họ luôn ẩn danh. Họ chỉ đích danh tội lỗi của tai to mặt lớn.
Mình còn nhớ rõ cách đây hơn một năm, cả báo chí lẫn truyền hình Pháp đồng loạt đưa tin một cậu bé 10 tuổi bị 5 cậu bạn cùng học đánh hội đồng. Cậu bé chết. Chết không phải vì bị đánh mà vì cậu bé có tiền sử bị đau tim, vì quá sợ hãi nên lên cơn, không ai cứu kịp. Mấy tuần lễ trên báo và truyền hình liên tục đăng tải những chuyên đề, những buổi tọa đàm về chủ đề "bạo lực học đường". Cả nước Pháp rúng động. Tuyện nhiên chưa một lần các phương tiện truyền thông nhắc đến tên 5 cậu bạn "gây án".
Với mình đó là đạo đức nghề nghiệp. Đã có một mạng người phải trả giá cho bạo lực học đường, người ta muốn tránh cho 5 cuộc đời khác khỏi đắm chìm trong nhục nhã của dư luận. Mặc cảm tội lỗi có lẽ đã đủ khiến 5 cậu bé kia phải ân hận suốt đời. Không cần chà đạp thêm một người đã ngã ngựa.
Báo chí Pháp vẫn thích đích danh tội lỗi của tai to mặt lớn. Thích vậy thôi, còn làm thì cũng phải có chừng mực. Chủ tịch mấy tập đoàn truyền thông ở Pháp đa phần từng nhấm nháp Bordeaux với bác Sarko. Từ ngày 5/1 sau 20h sẽ hoàn toàn không còn quảng cáo trên France Télévision (chủ quản của France 2 và France 3 là 2 trong số 3 kênh truyền lớn nhất của Pháp), thiếu hụt về tài chính do Nhà nước lo. Chủ tịch France Télévision từ nay cũng sẽ do Tổng thống bổ nhiệm.
Tự do báo chí không bao giờ là tuyệt đối. Ở đâu cũng vậy.
Khi báo chí làm lung lay quyền lực, báo chí sẽ không còn được hoan nghênh.
Các ký giả Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thậm chí đã từng bị Lầu Năm Góc qui cho cái tội "phản quốc". Chính quyền Mỹ cũng nói chiến dịch truyền thông là một phần trong kế hoạch của quân đội miền Bắc. Giới truyền thông Mỹ đã tiến quá sát vào chiến tranh Việt Nam, hình ảnh họ truyền về nóng bỏng quá, ác liệt quá. Tết Mậu Thân 1968, người dân Mỹ tận mắt chứng kiến cảnh chồng con họ ở giữa sự sống và cái chết. Phản chiến theo đó càng ngày càng rầm rộ.
Rút kinh nghiệm từ sai lầm của chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ cạch mặt báo chí. Các cuộc đánh bom tự sát ở Iraq hiện tại, báo chí chỉ được đến sau khi người ta đã dọn dẹp cho máu bớt rơi, lửa bớt cháy.
Tự do báo chí mãi vẫn thuộc thuyết tương đối.
Tuy Tin Sáng và Đứng Dậy đều đã "hoàn thành nhiệm vụ", nhưng cả 2 ít ra cũng đã từng tồn tại. Mình vẫn có lý do để tiếp tục viết báo. Và theo nghề báo.
mercredi 7 janvier 2009
Inscription à :
Articles (Atom)